Chủ đề Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (08/5/2016):
“Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”
1. Sự ra đời của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
Ngày 24/6/1859 ở Solferino - một thành phố miền bắc nước Ý, cuộc giao chiến khốc liệt giữa lực lượng quân đội liên minh Pháp - Ý chống lại quân chiếm đóng Áo đã để lại trên chiến trường 40.000 người thương vong. Quân y của các bên tham chiến không đủ lực lượng để giải quyết tình trạng quá nhiều người bị thương. Vô tình chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng trên, Henry Dunant - một thương gia Thụy Sĩ đã kêu gọi dân chúng địa phương giúp đỡ người bị thương bất kể họ là người của bên nào.
Khi trở về Thụy Sĩ, Henry Dunant đã viết lại những điều này trong cuốn sách có tên gọi "Ký ức về Solferino". Cuốn sách được hoàn thành vào năm 1862. Trong cuốn sách, ông đưa ra 2 ý tưởng: i) Thành lập tại mỗi quốc gia một Hội Cứu trợ bao gồm những người tình nguyện, những người danh tiếng, những chính khách co tên tuổi để chăm sóc những người bị thương khi có chiến tranh; và ii) Vận động một thỏa thuận quốc tế bảo vệ những binh lính bị thương trên chiến trường và những người chăm sóc họ.
Năm 1863, ý tưởng của Henry Dunant đã trở thành hiện thực với sự ra đời Ủy ban Quốc tế Cứu trợ những người người bị thương tiền thân của Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), gồm 5 thành viên: Henry Dunant, Luật Gustave Moynier, Tướng Guillaume Henri Dufour, Tiến sĩ Louis Appia, Tiến sĩ Theodore Maunoir, đều là công dân Thụy Sĩ. Cũng năm đó, dấu hiệu phân biệt chữ thập đỏ trên nền trắng để nhận biết và bảo vệ những người giúp đỡ binh sĩ bị thương trên chiến trường đã được thông qua. Một năm sau, năm 1864, Công ước đầu tiên được các quốc gia thành viên thông qua có tên gọi “Công ước Geneva”. Tiếp đó, năm 1919, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thành lập. Ðến nay, đã có 190 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu.
Ðể ghi nhớ công lao của người sáng lập phong trào Chữ thập đỏ, ngày sinh của Henry Dunant (8/5) đã được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế. Năm 1948, Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế đầu tiên được chính thức tổ chức. Năm 1984, Ngày Chữ thập đỏ quốc tế chính thức được đổi tên thành Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Một trong 190 Hội quốc gia thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế gồm ba thành phần: Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ hoặc Hội Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia. Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là tổ chức nhân đạo có mạng lưới rộng nhất trên thế giới với trên 80 triệu hội viên, hơn 16 triệu tình nguyện viên, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, giúp đỡ hàng triệu nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mỗi năm.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 23/11/1946 và là Chủ tịch danh dự đầu tiên. Ngày 05/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam đã gửi Công hàm đến Tổng thống Liên bang Thụy Sỹ, tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ 12/8/1949. Với việc ký tham gia Công ước này, ngày 04/11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có những đóng góp tích cực đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, luôn hướng về cộng đồng, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, triển khai thực sự hiệu quả nhiều phong trào, cuộc vận động lớn, như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò ", Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", Chiến dịch “Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo, tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa…
3. Chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5) năm nay là: “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”
Chủ đề ngày 8/5 năm nay nhấn mạnh sự có mặt của tổ chức Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ ở khắp nơi trên thế giới, từ thành thị đến nông thôn, miền xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa. Ở đâu có người bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai, chiến tranh cần sự trợ giúp, ở đó có tổ chức Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ. Chủ đề của năm nay cũng nhấn mạnh những tác động, nỗ lực mà Phong trào đã đem lại không nằm ngoài mục tiêu cao cả “vì mọi người”. Họ có thể là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chiến tranh và hoạt động Chữ thập đỏ hướng tới cải thiện cuộc sống của họ. Họ cũng có thể là những tình nguyện viên, những nhân viên Chữ thập đỏ, những người luôn sẵn sàng chia sẻ và đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ trong các hoạt động nhân đạo. Trên hành trình “vì mọi người” đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang thực hiện ngày càng hiệu quả vai trò là nòng cốt, cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo, để những tấm lòng hảo tâm đến với những người cần sự trợ giúp một cách kịp thời, hiệu quả nhất.
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, có khoảng 1 tỷ người trên khắp thế giới mong muốn trở thành tình nguyện viên nhưng chỉ có hơn 16 triệu người trong số đó đã trở thành tình nguyện viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ, thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người dễ bị tổn thương. Trong tình huống khẩn cấp, họ trực tiếp tham gia sơ cấp cứu, cứu sống tính mạng người dân khỏi đống đổ nát, vận chuyển cứu thương, hỗ trợ lương thực, nước uống, triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý cho những người có nhu cầu trợ giúp.
Tại Việt Nam hiện có hơn 400.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ hoạt động trong các lĩnh vực, như: sơ cấp cứu, hiến máu tình nguyện, khám, chữa bệnh nhân đạo, tuyên truyền các giá trị nhân đạo, phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa…Với chủ đề “Chữ thập đỏ - Vì mọi người, ở mọi nơi”, Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế 8/5 năm nay kêu gọi mỗi người làm công tác nhân đạo dưới ngôi nhà chung Chữ thập đỏ, đặc biệt là các tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiếp tục cùng phấn đấu, cùng cống hiến với tinh thần “ở mọi nơi, vì mọi người”, cùng thi đua thực hiện tốt một số việc sau:
1. Tuyên truyền sâu rộng về lịch sử xây dựng và phát triển của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, về các hoạt động, các phong trào, các cuộc vận động do Hội tổ chức, qua đó vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ và tham gia hoạt đọng Hội.
2. Tổ chức trợ giúp thường xuyên, thiết thực các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa bàn mình sinh sống, làm việc theo đúng tinh thần Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”;
3. Vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo do Hội tổ chức, trước mắt vận động ủng hộ nguồn lực dành cho đồng bào miền Trung, Tây nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, vận động nhắn tin NCgửi 1407, góp phần tạo thêm nguồn lực trợ giúp đồng bào vùng hạn, mặn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
TRUNG ƯƠNG HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Không có nhận xét nào