ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng
(17/4/1976 – 17/4/2016)
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đánh dấu một mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam sau một chặng đường 30 năm trường kỳ kháng chiến chống quân xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, nhân dân hai miền Nam-Bắc sum họp một nhà. Kể từ đó đến nay, bao nhiêu năm xây dựng và phát triển, đất nước ta đã vượt qua không ít khó khăn, thử thách để có được những thành quả như ngày nay. Trong bối cảnh chung của đất nước, hoạt động phong trào tổ chức Hội chữ thập đỏ Việt Nam nói chung và Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng nói riêng cũng không tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quan tâm ưu ái của các cấp chính quyền qua từng thời kỳ trong chặng đường 38 năm hình thành và phát triển của Hội chữ thập đỏ Lâm Đồng, đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Hội vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ vì sự nghiệp nhân đạo.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tháng 9/1975, khu VI cũ được giải thể để thành lập tỉnh Thuận Lâm trên cơ sở hợp nhất các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức-Đà Lạt, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Tuỵ. Đến tháng 12/1975, tỉnh Thuận Lâm được tách thành hai tỉnh Lâm Đồng và Thuận Hải. Tỉnh Lâm Đồng khi mới thành lập có 5 đơn vị hành chính: Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt. Với 69 xã và 8 phường, dân số khoảng 343.054 người. Cùng với sự phân chia về địa giới hành chính của tỉnh thiết lập hệ thống chính trị, ngày 17/4/1976, UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 16/ĐU/B2 thành lập Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng.
Trong lúc tỉnh nhà đang bề bộn nhiều nhiệm vụ quan trọng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Hơn nữa sau chiến tranh, dịch bệnh và đói kém thường xảy ra, nhất là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc. Do đó Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng được thành lập để đáp ứng nhiệm vụ chăm lo đời sống và sức khoẻ nhân dân, góp phần cùng các cấp, các ngành, đoàn thể xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp.
Kể từ năm 1976 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với tinh thần đoàn kết khắc phục mọi khó khăn thử thách, phát huy năng lực, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ từ nhiều nguồn, các cấp Hội Chữ thập đỏ, các cán bộ hội viên và tình nguyện Chữ thập đỏ luôn sát cánh đồng cam cộng khổ quyết tâm vươn tới vườn hoa nhân ái, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ… Cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ phải thực sự vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ, không thiên về hình thức, tránh thái độ ban ơn”.
Từ những ngày đầu mới thành lập, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng chỉ có một Ban Chấp hành lâm thời gồm 07 đồng chí do bác sĩ Nguyễn Văn Đài - Trưởng ty Y tế tỉnh Lâm Đồng lúc bấy giờ làm Chủ tịch, ông Nguyễn Bạt Tuỵ - nhân sỹ trí thức làm Phó chủ tịch, Bác sĩ Trần Hùng làm Tổng thư ký Thường trực. Toàn bộ BCH hoạt động kiêm nhiệm và tự nguyện. Cuối năm 1978, Hội nghị BCH đã bầu đ/c Hồ Phú Diên – Phó Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ làm chủ tịch kiêm nhiệm. BCH lâm thời hoạt động đến năm 1980.
Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này chủ yếu là: Phát triển mạng lưới tổ chức Hội đến 4 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và Thành phố Đà Lạt. Đồng thời tiến hành tổ chức xây dựng điểm ở một số cơ sở Hội tại các xã, phường và trường học.
Lực lượng thanh niên CTĐ XK cũng được tổ chức phát triển nhanh với hàng trăm Thanh niên đầy nhiệt huyết, hăng hái tự nguyện và có mặt hoạt động ở khắp các vùng kinh tế mới như: Núi Chai, Hà Giang,… Chương trình hoạt động cứu trợ, khám bệnh phát thuốc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng (xã Lộc Bắc huyện Bảo Lâm, xã Đam Rông huyện Lạc Dương, xã Hương Lâm huyện Đạ Tẻh)… Lực lượng tuổi trẻ CTĐ xung kích đã tham gia hoạt động cứu trợ, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, thực hiện chủ trương 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con nhân dân vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào dân tộc và vùng kinh tế mới. Ngoài ra, Thanh niên Chữ thập đỏ xung kích tổ chức thành các nhóm hoạt động kỹ năng chuyên sâu về các lĩnh vực xã hội. Thời kỳ này, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, nên Hội thành lập đội văn nghệ quần chúng, lấy lực lượng Thanh niên CTĐ xung kích làm nòng cốt. Đội văn nghệ của Hội đã nhanh chóng phát huy tác dụng, làm nòng cốt triển khai các hoạt động tuyên truyền về Hội đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân và tạo ấn tượng tốt với một số tỉnh bạn như Đồng Tháp, An Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An và Sông Bé (nay là Bình Dương, Bình Phước) bằng các đợt lưu diễn văn nghệ quần chúng.
Để giúp Hội vượt qua khó khăn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, năm 1979, Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã cử ông Phạm Thuần - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ - Trưởng Ban Tuyên giáo làm Chủ tịch danh dự của Hội CTĐ Lâm Đồng và ban hành thông tri chỉ đạo các cấp uỷ trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Hội CTĐ các cấp. Cũng trong thời kỳ này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ cho Hội CTĐ Lâm Đồng về các loại hàng hoá cứu trợ, dụng cụ Y tế, thuốc chữa bệnh. Thế hệ cán bộ chuyên trách đầu tiên của Hội CTĐ Lâm Đồng và các địa phương lúc mới thành lập Hội đến nay đã trưởng thành, có người đã nghỉ hưu, có người đang còn công tác trong các cương vị lãnh đạo ở tỉnh và Hội CTĐ huyện với những đóng góp tích cực hiệu quả đáng trân trọng.
Năm 1979, huyện Đơn Dương được tách ra thành lập thêm huyện Lạc Dương, huyện Bảo Lộc tách ra thành lập thêm huyện Đạ Huoai. Tổ chức Hội CTĐ ở hai huyện mới cũng được thành lập.
Sau thời gian hơn 4 năm hoạt động của Ban Chấp hành lâm thời, Hội CTĐ Lâm Đồng có nhiều đóng góp to lớn trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo được niềm tin ở Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đầu năm 1980 Đại hội đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ I (nhiệm kỳ 1976-1985), được tổ chức tại thành phố Đà Lạt. Tham dự Đại hội có 100 đại biểu chính thức. Ông Hồ Phú Diên- Phó ban tuyên giáo Tỉnh uỷ được bầu làm Chủ tịch kiêm nhiệm. BS.Lê Lâm Tiến- Phó trưởng ty Thương binh-xã hội làm Phó chủ tịch kiêm nhiệm. BS.Bùi Quang Huy làm Uỷ viên thư ký thường trực chuyên trách. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 15 người, Ban Thường vụ gồm 5 người.
Năm 1983 ông Hồ Phú Diên chuyển công tác về Bình Thuận, Hội nghị BCH kỳ họp thứ 2 bầu BS Nguyễn Minh Chính- Quyền giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch kiêm nhiệm. Nhiệm vụ của Hội từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công tác gây quỹ Hội. Cũng trong thời kỳ này, một số cơ sở dịch vụ của tỉnh Hội được tổ chức trước đây như: Cơ sở làm đường cát, cơ sở làm dép nhựa, các cơ sở chế biến nước giải khát lên men ở Đà Lạt và Bảo Lộc, nhà nghỉ Lang Biang (nay là Golf 3) đều trong tình trạng trang thiết bị cũ kỹ, không đáp ứng cơ chế đầu tư cho sản xuất và không đủ sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nên đã lần lượt giải thể nên kinh tế Hội gặp nhiều khó khăn.
Tháng 12/1985, Đại hội đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ II (nhiệm kỳ 1985-1988) tổ chức tại Thành phố Đà Lạt. Đây là Đại hội diễn ra khi đất nước ta chuẩn bị bước vào công cuộc đổi mới. Bác sĩ Nguyễn Minh Chính- Giám đốc sở y tế được bầu làm chủ tịch chuyên trách Hội CTĐ Lâm Đồng. BS.Lê Lâm Tiến làm Phó Chủ tịch, ông Đỗ Tiến Sáu làm thư ký Thường trực. Đại hội đã bầu BCH gồm 21 người, ban Thường vụ 7 người. Tham dự Đại hội có 120 đại biểu. Tầm hoạt động trong thời kỳ này chủ yếu xây dựng, phát triển tổ chức Hội ở cơ sở và công tác cứu trợ. Cơ sở dịch vụ gây Quỹ hội như: Trung tâm Y dược dân tộc cổ truyền, Đội văn nghệ phong trào phục vụ cho công tác tuyên truyền của Hội cũng phải giải thể; Biên chế, kinh phí hoạt động của Hội bị cắt giảm nên các hoạt động của Hội gặp không ít khó khăn. Năm 1987, huyện Đạ Houai được tách thành 02 huyện Đạ Houai và Đạ Tẻh. Tháng 10/1987, huyện Lâm Hà được thành lập bao gồm khu tinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng và một số xã của huyện Đức Trọng và Lạc Dương. Năm 1988, huyện Đạ Tẻh được tách ra thành lập thêm huyện mới là Cát Tiên. Đến tháng 4/1994, huyện Bảo Lộc được tách ra thành lập thêm huyện mới là Bảo Lâm. Và tháng 10/2004, huyện Đam Rông đựơc thành lập, bao gồm 3 xã khu vực Đầm Ròn của huyện Lạc Dương, 04 xã phía Bắc của huỵên Lâm Hà và 01 xã mới thành lập. Cùng với việc thành lập và chia tách hành chính các huyện, thị xã, tỉnh Hội CTĐ Lâm Đồng cũng kịp thời làm việc với lãnh đạo địa phương để thành lập tổ chức Hội Chữ thập đỏ ở các cấp huyện và thị xã Bảo Lộc.
Đầu năm 1988, Đại hội đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ III (nhiệm kỳ 1988-1993) tổ chức tại hội trường Tỉnh uỷ Lâm Đồng. Bác sĩ Nguyễn Thị Ba được bầu làm chủ tịch Hội CTĐ Lâm Đồng. Ông Đỗ Tiến Sáu làm phó Chủ tịch và ông Nguyễn Tâm Giám làm uỷ viên thư ký. Đại hội bầu ban chấp hành gồm 23 người, Ban Thường vụ có 7 người. Tham dự Đại hội có 180 đại biểu. Thời kỳ này Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã hỗ trợ Hội CTĐ Lâm Đồng một số lượng hàng hoá cứu trợ và các hoạt động thiết yếu phục vụ các chương trình y tế như: lương thực, thực phẩm, chăn mền, quần áo viện trợ, màn ngủ và thuốc tẩm chống muỗi sốt rét và một số đồ dùng nhu yếu phẩm cứu trợ thiên tai lũ lụt. Từ đó các lĩnh vực hoạt động của Hội đã có bước phát triển thuận lợi.
Ngày 19/5/1993, Đại hội đại biểu lần thứ IV (nhiệm kỳ 1993-1999) được tổ chức tại Hội trường Tỉnh uỷ, tham dự Đại hội có 180 đại biểu. Đại hội bầu BCH gồm 33 người, Ban Thường vụ có 9 người. Bác sỹ Trần Đăng Vĩnh đựơc bầu làm Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng. Ông Đỗ Tiến Sáu làm phó chủ tịch và ông Nguyễn Tâm Giám làm uỷ viên thư ký. Năm 1997, Hội nghị đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng bầu ông Nguyễn Tâm Giám làm phó Chủ tịch kiêm uỷ viên thư ký. Nhiệm vụ trong thời kỳ này chủ yếu là củng cố tổ chức Hội ở cơ sở xã phường, trường học. Lực lượng TTN CTĐ phát triển rộng, có chất lượng, các Hội trại TTN CTĐ XK được tổ chức từ tỉnh đến địa phương trong tỉnh. Hoạt động chăm lo sức khoẻ cho nhân dân có hiệu quả cao. Các hoạt động về phát triển cộng đồng được chú trọng. Các cấp Hội tích cực trong công tác tuyên truyền và gây Quỹ hội đạt kết quả cao.
Ngày 9-10/3/2000, Đại hội đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ V (nhiệm kỳ 2000-2005) tổ chức tại Hội trường khách sạn Du lịch Công đoàn tỉnh. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 39 người, Ban Thường vụ gồm 11 người. Bác sỹ Trần Đăng Vĩnh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội CTĐ Lâm Đồng. Ông Đỗ Tiến Sáu và ông Nguyễn Tâm Giám làm phó Chủ tịch, bà Đỗ Thị Thu Hằng làm uỷ viên thư ký. Nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là tiếp tục phát triển các lĩnh vực hoạt động của Hội, tập trung xây dựng phát triển Hội cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động ở các cấp Hội, có nhiều mô hình đựơc nhân rộng, nhiều gương điển hình, người tốt việc tốt phổ biến, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong các cấp Hội. Nhân dịp này, Hội CTĐ Lâm Đồng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng ba.
Ngày 27/7/2005, Hội nghị thi đua yêu nước và biểu dương các điển hình tiên tiến của Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ I được tổ chức tại Hội trường Công ty Công trình đô thị Thành phố Đà Lạt, với sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cho những điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào nhân đạo của Hội trong 6 năm (2000-2005). Tại Hội nghị, nhiều gương người tốt việc tốt, các tập thể, cá nhân được tuyên dương khen thưởng.
Ngày 16-17/8/2006, Đại hội đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ VI (nhiệm kỳ 2006-2010) tổ chức tại Hội trường tỉnh uỷ. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 43 người, Ban Thường vụ gồm 13 người. Bác sỹ Trần Đăng Vĩnh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội CTĐ Lâm Đồng. Ông Đỗ Tiến Sáu làm phó Chủ tịch, bà Đỗ Thị Thu Hằng làm uỷ viên thư ký. Mục tiêu chung của nhiệm kỳ là góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần của những người bị tổn thương, đặc biệt ưu tiên giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, thiên tai, người khuyết tật nghèo để họ vượt qua khó khăn, hoà nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng.
Ngày 26/01/2007, Hội CTĐ Lâm Đồng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhì.
Ngày 02/7/2010, Hội nghị thi đua yêu nước và biểu dương các điển hình tiên tiến của Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ II được tổ chức tại Hội trường Khách sạn Công đoàn tỉnh Lâm Đồng, với sự tham dự của gần 250 đại biểu đại diện cho những điển hình tiên tiến, cá nhân xuất sắc trong phong trào nhân đạo của Hội trong 6 năm (2005-2010). Nhiều gương người tốt việc tốt, các tập thể, cá nhân được Trung ương Hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tỉnh Hội tuyên dương khen thưởng.
Ngày 28-29/11/2011, Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII, nhiệm kỳ 2011 – 2016, tổ chức tại Hội trường tỉnh Ủy. Tham dự Đại hội có 300 đại biểu, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành 39 người. Ban Thường vụ 11 người, BS Đinh Thị Nga được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng, ông Đỗ Hoàng Tuấn được bầu làm Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Mục tiêu với khẩu hiệu “Tự nguyện, chung sức vì sự nghiệp nhân đạo, vì hạnh phúc nhân dân”; toàn thể hội viên “Nâng cao năng lực vận động, thu hút nguồn lực, tổ chức có hiệu quả các hoạt động nhân đạo từ cơ sở”.
Năm 2013, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng tổ chức Hội trại thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thành công rực rỡ và tham gia Hội trại toàn quốc đạt giải nhất trang trí trại.
Năm 2014 tổ chức Hội thi sơ cấp cứu toàn tỉnh thành công lần thứ nhất góp phần nâng cao kỹ năng sơ cấp ban đầu cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong tình huống khẩn cấp, kịp thời chuyển viện các nạn nhân một cách an toàn.
Từ năm 2013 đến 2015 tổ chức thành công Hành trình đỏ kết nối dòng máu Việt được Trung ương Hội đánh giá cao.
Ngày 18/02/2014, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng vinh dự được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013 và được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng cờ đơn vị xuất sắc năm 2013.
Năm 2015, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhất.
II. NHỮNG THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng các hoạt động của Hội ngày càng đạt được hiệu quả cao với những thành quả đáng khích lệ. Nghị quyết của các kỳ Đại hội hội CTĐ Lâm Đồng, với những chủ trương, phương hướng và mục tiêu hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi cơ sở. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều nhân tố, điển hình tốt, mô hình mới, cách làm hay, được tổng kết, nhân rộng ở nhiều địa phương, cơ sở Hội. Điều này có thể nhận thấy rõ qua kết quả hoạt động của từng năm, năm sau cao hơn năm trước.
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể và phát huy vai trò, vị trí của Hội trong các hoạt động nhân đạo tại địa phương. 40 năm qua, Hội chữ thập đỏ Lâm Đồng đã tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh quyên góp ủng hộ, giúp đỡ cho hàng ngàn lượt đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống với tổng giá trị gần 218 tỷ đồng, riêng nhiệm kỳ 2006 – 2011 là 110,6 tỷ đồng, trong năm 2015 giá trị hoạt động của các cấp Hội đạt gần 42 tỷ đồng. Với những việc làm có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của Hội trong thời gian qua đã được nhân dân tin cậy, được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất, cờ Thủ tướng chính phủ, Ủy ban nhân tỉnh Lâm Đồng tặng cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Có được những kết quả trên phải kể đến sự nỗ lực, cố gắng của trên 80 nghìn cán bộ, hội viên, Thanh thiếu niên, tình nguyện CTĐ với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần vào thành tích chung của Hội, đã tô đẹp thêm truyền thống nhân ái quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của Hội, cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
III. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Bước vào giai đoạn mới, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, góp phần cải thiện cuộc sống của những người bị tổn thương, cùng với những kết quả đã đạt được từ phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua của Hội Chữ thập đỏ. Để tiếp tục phát huy những thành quả đó, tỉnh Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng đã đề ra một số nội dung thực hiện trong thời gian tới như sau:
1. Thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’
- Với vai trò, vị trí và trách nhiệm của Hội Chữ thập đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
- Nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải học tập, rèn luyện tu dưỡng đạo, lối sống theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Những phẩm chất đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải thường xuyên học tập, noi theo; phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống của bản thân theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước
- Thiết thực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân.
- Gắn các hoạt động nhân đạo của Hội với phong trào thi đua yêu nước.
- Mỗi huyện, thành Hội phấn đấu có một công trình cụ thể như: Nhà tình thương; giếng nước, trường mẫu giáo…vv để hưởng ứng kỷ niệm 69 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
3. Phát triển tổ chức, lực lượng Chữ thập đỏ
- Củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Hội trong các cơ quan, đơn vị.
- Vận động các tầng lớp tham gia vào Hội: hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
- Tổ chức các lớp tập huấn để năng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ.
- Quản lý tình nguyện viên theo Phiếu đăng ký và cập nhật vào phần mềm (theo mẫu quản lý của Trung ương Hội).
4. Đổi mới công tác chỉ đạo của cấp Hội
- Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hội theo hướng gắn bó với đối tượng, tập trung cho cơ sở, phát triển bền vững, dựa vào cộng đồng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội.
- Phát động thi đua thực hiện “7 lĩnh vực’’ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quy định tại Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
- Nâng cao chất lượng tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền xây dựng các chính sách, tạo điều kiện về cơ chế để Hội thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
5. Thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo’’ và vận động nguồn lực.
- Triển khai toàn diện và sâu rộng cuộc vận động, xem đây là mục tiêu của phong trào thi đua và là chiến lược của toàn Hội. Rà soát lại các địa chỉ nhân đạo cần duy trì và mở rộng thêm các địa chỉ mới, giúp các địa chỉ giảm bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
- Vận động mọi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thi đua trợ giúp những đối tượng cụ thể, thi đua vận động các tổ chức, cá nhân khác trợ giúp “những địa chỉ nhân đạo’’ theo sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ.
- Phấn đấu năm sau vận động các giá trị nhân đạo cao hơn năm trước 10%.
6. Thực hiện các hoạt động trọng tâm của Hội năm 2016
- Tổ chức Đại hội Hội Chữ thập đỏ các cấp tiến tới Đại hội Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng lấn thứ VIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021
- Tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội và tham gia thực hiện phong trào “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới.
- Phấn đấu toàn tỉnh đạt 27 tỷ tổng giá trị nhân đạo và hiến máu tình nguyện đạt 11.000 đơn vị năm 2016.
- Vận động 14.000 lượt người nghèo được khám bệnh, tư vấn sức khỏe.
- Phấn đấu phát triển hội viên tăng 2%/năm.
- 100% các cấp Hội Chữ thập đỏ có quỹ nhân đạo. Vận động thu hội phí đạt 80% trở lên.
- 100% huyện, thành Hội có 01 công trình chào mừng Đại hội Hội Chữ thập đỏ các cấp; ủng hộ công trình chào mừng Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh; ủng hộ đoàn công tác Trung ương Hội thăm cán bộ, chiến sỹ Trường sa.
- 100% huyện, thành Hội phối hợp với Trung tâm chính trị mở lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội và Phong trào Chữ thập đỏ.
7. Công tác tuyên truyền
- Tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, của Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng; về các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và các tấm gương tiêu biểu trong các hoạt động nhân đạo, các kết quả hoạt động nhân đạo, mục đích nội dung phát động thi đua của toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng...
- Triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng (17/4/1976 – 17/4/2016)ở tất cả các cấp Hội và trong cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, các tầng lớp Nhân dân một cách thiết thực, hiệu quả và có ý nghĩa giáo dục lòng nhân ái sâu sắc.
- Tuyên truyền Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam’’; Luật hoạt động Chữ thập đỏ; phổ biến chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020,...
- Tuyên truyền về Đại hội Hội Chữ thập đỏ các cấp tiến tới Đại hội Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng lấn thứ VIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
- Tuyên truyền, phổ biến Chiến lược đến các cấp Hội cơ sở và cán bộ, hội viên, Thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, đưa việc thực hiện Chiến lược và Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ vào Hội nghị Ban Chấp hành, Hội nghị tổng kết năm.
- Tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021; kết quả và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo về trật tự an toàn giao thông. Tuyên truyền kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; kết quả công tác tuyển quân, giao quân đợt I; tuyên truyền về biển, đảo; công tác phân giới, cắm mốc; công tác thông tin đối ngoại của đất nước, của tỉnh; kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và các giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2016. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương.
Không có nhận xét nào