Thực hiện Công văn số 266/CTĐLĐ ngày 25/8/2015 của Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng về việc định hướng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ 2016, nhằm giúp các xã, phường trường học xây dựng chương trình công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ năm 2016, Hội Chữ thập đỏ Bảo Lộc định hướng công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ năm 2016 như sau:
I. CÁC NỘI DUNG CÔNG TÁC CƠ BẢN
1. Công tác xã hội nhân đạo
- Triển khai thực hiện tốt phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” - Xuân Bính Thân 2016.
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia Cuộc vận động.
- Hội tích cực vận động xây dựng nhà tình thương, các công trình trường học mẫu giáo, giếng nước, nhà vệ sinh, bếp ăn tình thương…mang tính chất phát triển cộng đồng.
- Học tập, nhân rộng các mô hình nhân đạo mang lại hiệu quả cao áp dụng cho địa phương ; nhân rộng 1-2 mô hình về công tác xã hội nhân đạo. Triển khai các hoạt động tiếp nhận, điều phối viện trợ của các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực Công tác xã hội nhân đạo.
* Lưu ý : Trong dự toán ngân sách năm 2016, đề nghị báo cáo Uỷ ban nhân dân xã/phường và Ban giám hiệu Nhà trường bố trí ngân sách đối ứng cho việc kiểm tra, giám sát Phong trào « Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam » ; dự án « Ngân hàng bò » ; Cuộc vận động « Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo ».
2. Công tác tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa
- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết về “Nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt nam trong tình hình mới”. Xây dựng Kế hoạch của các xã, phường trường học tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2016.
- Chú trọng việc tổ chức vận động xây dựng quỹ cứu trợ khẩn cấp ở các cấp hội, đảm bảo 100% các cấp Hội đều có quỹ nhằm cứu trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng khi có thiên tai, thảm họa xảy ra.
- Chuẩn bị các thiết bị cần thiết (áo cứu sinh, ca nô, thuyền, phao…) ở các xã, phường đặc biệt tập trung ở các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt như xã Đại Lào, xã Lộc Nga, xã Đamb’ri, xã Lộc Thanh….
3. Công tác tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Phối hợp tổ chức Chiến dịch khám, chữa bệnh nhân đạo. Xây dựng Kế hoạch củng cố, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh và sơ cấp cứu Chữ thập đỏ. Tiếp tục triển khai Kết luận của Ban thường vụ Trung ương Hội về “Giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình Đội khám, chữa bệnh lưu động Chữ thập đỏ trong tình hình mới”.
- Triển khai công tác sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; củng cố và phát triển hệ thống trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ.
- Triển khai các hoạt động truyền thông về an toàn giao thông; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và phòng chống đại dịch gắn với mô hình “Vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh”.
- Củng cố, thành lập, duy trì hoạt động Bếp ăn tình thương tại các Trung tâm y tế để giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
4. Công tác hiến máu tình nguyện
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo cùng cấp tiếp tục tổ chức các chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu tình nguyện.
- Duy trì, phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm hiến máu tình nguyện tại các cấp Hội theo Quy chế số 75/QC-TƯHCTĐ ngày 23/3/2013 của Trung ương Hội như: Câu lạc bộ 25; Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm; Câu lạc bộ gia đình hiến máu; Câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện; tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng truyền thông, vận động hiến máu tình nguyện đối với lực lượng tình nguyện viên nòng cốt tại các loại hình câu lạc bộ này. Sẵn sàng phục vụ cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện.
- Tổ chức tôn vinh, khen thưởng cá nhân, gia đình và tập thể có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu dịp Tết, hè, trong các sự kiện ‘Tôn vinh người hiến máu”, “Ngày toàn dân HMTN”…;
- Tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp giao chỉ tiêu vận động hiến máu tình nguyện hàng năm cho các Chi hội, Tổ dân phố, cơ quan, tổ chức tại địa phương.
5. Công tác truyền thông, xây dựng nguồn lực
- Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về truyền thông và phát triển nguồn lực;
- Tổ chức các đợt tuyên truyền về Hội nhân Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2016), ngày Chữ thập đỏ, trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5), 40 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng (17/4/1976-17/4/2016) ; tuyên truyền kết quả Đại hội các cấp.
- Tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác, vận động nguồn lực thông qua việc xây dựng các chương trình, dự án tại địa phương.
6. Công tác xây dựng tổ chức Hội
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm sự thống nhất về tổ chức trong hệ thống Hội.
- Tăng cường quản lý và phát triển hội viên (thông qua cấp thẻ và thu hội phí), quản lý thực chất thanh, thiếu niên, phát triển lực lượng tình nguyện viên chữ thập đỏ bằng công nghệ thông tin.
- Tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Hội, nhất là ở cơ sở theo phân cấp, xây dựng đội ngũ giảng viên, tập huấn viên, hướng dẫn viên, nhất là lĩnh vực sơ cấp cứu.
- Phát động thi đua chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946-23/11/2016), 40 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng (17/4/1976-17/4/2016).
7. Công tác tham mưu, chỉ đạo và phối hợp trong hoạt động nhân đạo
- Tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức Đại hội Hội Chữ thập đỏ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam .
- Tăng cường công tác tham mưu với các cấp Ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp với các Ban, Ngành, Đoàn thể để có sự quan tâm chỉ đạo đối với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trên địa bàn toàn thành phố.
- Công tác thông tin, báo cáo: đúng thời gian, chất lượng và trọng tâm. xây dựng hướng dẫn công tác Văn thư, lưu trữ trong toàn hệ thống Hội.
- Thực hiện tốt công tác thi đua gắn với các phong trào, các cuộc vận động của Hội và của địa phương.
- Tổ chức sơ, tổng kết công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, chỉ đạo nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác Hội.
8. Công tác kiểm tra, giám sát
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát theo định kỳ của công tác Hội và kiểm tra đột xuất khi có các dấu hiệu vi phạm để kịp thời chấn chỉnh nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác Hội.
- Kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động nhân đạo, từ thiện và công tác hiến máu tình nguyện.
- Kiểm tra, giám sát công tác xây dựng các nguồn quỹ phục cho công tác nhân đạo, từ thiện.
- Cấp thành phố tổ chức kiểm tra 100% số xã, phường, và từ 1- 2 chi hội; Đối với cấp xã, phường tổ chức kiểm tra 100% các chi hội trực thuộc trên địa bàn.
- Kiểm tra hoạt động Chữ thập đỏ trường học năm học 2015-2016.
II. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương để tranh thủ sự lãnh đạo, Ban hành các chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nhân đạo và hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động Chữ thập đỏ.
2. Huy động, vận động các nguồn lực từ các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để giúp đỡ các gia đình khó khăn, góp phần vào nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
3. Phối hợp chặt chẽ với ban ngành, đoàn thể địa phương để triển khai, thực hiện các hoạt động xã hội nhân đạo. Duy trì, phát huy và nhân rộng các mô hình nhân đạo tại địa phương.
4. Đẩy mạnh công tác tuyền truyền giáo dục về giá trị nhân đạo, tuyên truyền về tổ chức Hội và phong trào Chữ thập đỏ thông qua các hình thức và các kênh truyền thông.
5. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương. Tổ chức các phong trào thi đua theo từng hoạt động. Đồng thời chú ý tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc trong các hội nghị sơ, tổng kết.
Trên đây là một số nội dung định hướng hoạt động Hội và phong trào Chữ thập đỏ năm 2016. Đề nghị các xã, phường trường học tham mưu với cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương chủ động đưa vào chương trình kế hoạch năm 2016 để triển khai, thực hiện hiệu quả./.
Không có nhận xét nào