Bài học về tình yêu thương

Từ nhà trường đến xã hội
Bài học về tình yêu thương
Trong Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục lần thứ sáu vừa diễn ra vào cuối tháng chín, nhiều tấm gương các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu được giới thiệu, nêu gương. Trong đó, tấm gương của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng, Trường THPT Tân Phú, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) khiến mọi người đều thán phục bởi tình yêu thương vô bờ đối với học sinh. Cô kể: Trong một buổi học, tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh một em học sinh nam, khuôn mặt khắc khổ, đôi mắt u buồn.
Đêm đó, cô giáo Phượng cứ trằn trọc, băn khoăn về hình ảnh cậu học sinh đó. Tiết học hôm sau, cô gặp và trò chuyện thì được biết em là Nguyễn Hải Đông, học giỏi, ngoan, lễ phép nhưng cha mẹ ly dị. Từ bé em sống với bà nội. Được ít năm thì bà nội mất nên Đông không còn chỗ nương thân. Bằng tình thương trách nhiệm của một nhà giáo, cô Phượng không ngần ngại nhận nuôi đỡ đầu em Đông. Sau khi học xong lớp 12, Đông đỗ vào Trường ĐH Cần Thơ và đã tốt nghiệp ra trường. Việc làm tốt có sức lan tỏa, từ đó phong trào đỡ đầu học sinh khó khăn được nhân rộng. Đến nay, cô giáo Phượng đã đỡ đầu hơn mười học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều đã tốt nghiệp THPT và có việc làm ổn định. Hiện tại cô vẫn tiếp tục nhận đỡ đầu ba học sinh thông qua việc hằng tháng trích tiền lương của mình để mua sách vở, quần áo, các khoản phí học tập; nếu học sinh ở xa thì được cô Phượng lo cho ăn, nghỉ trưa tại nhà…
Và còn nhiều lắm những tấm gương sáng của các thầy giáo, cô giáo khác. Cô giáo Lò Thị Dinh vượt khó chăm sóc trẻ mầm non trên vùng cao nguyên đá Mèo Vạc (Hà Giang). Cô giáo Phan Lệ Hằng ở xã nghèo Tập Ngãi, Tiểu Cần (Trà Vinh) nỗ lực dạy học sinh khuyết tật hòa nhập, vận động tốt các nhà hảo tâm tài trợ hàng chục triệu đồng, hàng nghìn cuốn sách vở giúp đỡ học sinh nghèo khó khăn. Cô giáo Trần Thị Thanh Xuân ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhiệt huyết tiếp lửa cho những tài năng trẻ…
Vì vậy, hãy nhân lên tình yêu thương bằng những việc làm, hành động tốt. Các thầy giáo, cô giáo luôn tâm huyết với nghề, tràn đầy tình yêu thương với học sinh. Đó chính là những bài học thực tiễn quý giá cho sự phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ của mỗi học sinh. Và cũng là bài học về tính nhân văn, tình người cho mục tiêu giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hóa pháp luật và ý thức công dân hiện nay.
GIANG SƠN

Không có nhận xét nào