Phòng Ngừa Thảm Họa


Báo cáo thảm họa thế giới 2015 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Thông tin và sự kiện

Nhân Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa (13/10) và công bố Báo cáo thảm họa thế giới 2015 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế

Thảm họa trên toàn thế giới trong năm 2014 [1]

-317 thiên tai ảnh hưởng đến 94 quốc gia. Con số này thấp nhất trong một thập niên trở lại đây và thấp hơn trung bình 17%.

- Gần 107 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa (năm 2013 là 100 triệu người).

- Thiên tai, thảm họa làm 8.186 người chết, tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn gần 90% so với trung bình trong thập niên vừa qua. Năm 2014, số người chết bởi thảm họa thấp nhất kể từ năm 1986 (7.303 người).

48% thiên tai, thảm họa xảy ra ở châu Á. 85% số người chết và 86% số người bị ảnh hưởng cũng ở châu Á.

- Trung Quốc là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất với 58 triệu người chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ và hạn hán.

87% thảm họa có liên quan đến khí hậu.Điều này khẳng định xu hướng 20 năm trở lại đây, thảm họa liên quan đến khí hậu cao hơn nhiều so với thảm họa địa chất.

- Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 99,2 tỷ đô-la Mỹ, thấp hơn nhiều so với thiệt hại trung bình trong 10 năm trở lại đây là 147 tỷ đô-la Mỹ.

Thảm họa ở châu Á

1.690 thảm họa (chiếm tỷ lệ 41,2% tổng số thảm họa trên thế giới) xảy ra ở châu Á từ 2004 – 2013, cao nhất trên toàn thế giới.[2]

- Số người chết do thảm họa ở châu Á tăng hơn 3 lần trong 10 năm trở lại đây, do những thảm họa lớn như động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 và Bão Nargis ở Mi-an-ma năm 2008.

- Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là In-đô-nê-sia và Phi-lip-pin, là nơi ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa nặng nhất, với hơn 500 thảm họa và 350.000 người chết.

- Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 560 tỷ đô-la Mỹ từ 2004 – 2013.

- Trước tình hình này, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã có thỏa thuận với Trung tâm ASEAN điều phối viện trợ nhân đạo về quản lý thảm họa (AHA) để nâng cao cơ chế và việc điều phối ứng phó thảm họa trong khu vực.

Sự cân bằng đầu tư trong viện trợ nhân đạo

- Tổng giá trị viện trợ nhận đạo trên thế giới lên đến 20 tỷ đô-la Mỹ.

- Từ 2005 – 2014, chính phủ các quốc gia bị ảnh hưởng nhận được 3% tổng số tiền viện trợ nhân đạo quốc tế.[3]

- Cùng thời gian đó, các tổ chức phi chính phủ trong nước và địa phương nhận được 1,6% tổng số tiền viện trợ nhân đạo quốc tế.

- Trong khi đó, từ 2010 – 2014, các tổ chức chính phủ quốc tế nhận được 86% tổng số tiền viện trợ nhân đạo quốc tế.[4]

-Trên toàn thế giới, chỉ có 16 tổ chức phi chính phủ địa phương và 80 tổ chức phi chính phủ quốc gia báo cáo trực tiếp nhận được viện trợ quốc tế trong năm 2014.

Giá trị của việc đầu tư vào hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa (GTRRTH)

- Trong năm 2014, với mỗi đô-la đầu tư vào GTRRTH, tiết kiệm được 15,65 đô-la.[5]

- Trong năm 2014, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia trên thế giới đầu tư tổng cộng 151,7 triệu Franc Thụy Sỹ vào các dự án GTRRTH, nhiều hơn 30 triệu Franc Thụy Sỹ so với 2013.

- Trong năm 2014, khoảng 17,9 triệu người ở châu Á hưởng lợi từ các dự án GTRRTH của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các Hội Quốc gia.

- Thông qua mạng lưới 17 triệu tình nguyện viên và 189 Hội Quốc gia, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã tiếp cận được hàng chục triệu người thông qua các chương trình phòng ngừa và GTRRTH và phát triển.


Cam kết của Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ trong GTRRTH

- Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ cam kết với Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (2015 – 2030), được thông qua tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 3 của Liên hiệp quốc về GTRRTT ở Sendai, Nhật Bản tháng 3/2015.

- Tháng 2/2015, tại cuộc họp lãnh đạo thứ 12 của Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Đông Nam Á ở Phnôm-Pênh, lãnh đạo các Hội Quốc gia trong khu vực đã công nhận tầm quan trọng của việc tiếp tục nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, đặc biệt là thông qua luật thảm họa.

- Tháng 6/2014, tại Hội nghị Bộ trưởng châu Á về giảm nhẹ thiên tai tại Băng Cốc với sự có mặt của hơn 25 Hội Quốc gia, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã đưa ra «cam kết tự nguyện» nhằm xây dựng cộng đồng an toàn thông qua các chương trình GTRRTH, chăm sóc sức khỏe, sinh kế, nhà ở và biến đổi khí hậu.


Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ công nhận kiến thức bản địa trong GTRRTH

- Tầm quan trọng của việc cân nhắc kiến thức bản địa hay kiến thức truyền thống để cải thiện việc dự báo biến đổi khí hậu và tác động của nó được đề cập đến trong «Những tiêu chuẩn tối thiểu trong hoạt động GTRRTH dựa trên khí hậu của địa phương» của Trung tâm Khí hậu của Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ.

- Kiến thức địa phương – bao gồm kiến thức bản địa và kiến thức truyền thống – là một phần rất quan trọng trongđánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng (VCA) của Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ, một công cụ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và hiểm họa nhằm giảm tình trạng dễ bị tổn thương và nâng cao năng lực của cộng đồng trước khi thảm họa ập đến.

- Những phong tục tập quán truyền thống và kiến thức bản địa là chìa khóa trong cách tiếp cận dựa vào cộng đồng của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và được nêu lên trong «Khung hành động vì cộng đồng an toàn của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế».



[1]Theo cơ sở dữ liệu về thảm họa quốc tế của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của thiên tai (CRED): www.emdat.be

[2] Theo số liệu thống kê cho Châu Á – TBD năm 2014 của UNESCAP

[3] Theo Dịch vụ theo dõi tài chính của Văn phòng điều phối viện trợ nhân đạo của Liên hiệp quốc (UN OCHA)

[4] Theo Báo cáo về An ninh cho Nhân viên cứu trợ năm 2014 của tổ chức tư vấn Humanitarian Outcomes (Kết quả nhân đạo)

[5] Theo Báo cáo về GTRRTH của Hiệp hội năm 2014

(Theo Trang web TƯ Hội)

Không có nhận xét nào