ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
( 23/11/1946 – 23/11/2014)
I. SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Truyền thống nhân ái của dân tộc được kết nối từ đời này qua đời khác và phát triển ngày càng rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh, tạo thành dòng chảy tự nhiên của lòng yêu nước, lòng nhân ái và tinh thần chia sẻ kết tinh trong cốt cách của con người Việt Nam.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay). Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã hiểu rất rõ về các Phong trào nhân đạo và Cứu trợ quốc tế, có lẽ vì vậy Bác đã sớm ủng hộ việc thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và vui lòng nhận làm Chủ tịch danh dự. Thật là một niềm vinh dự lớn cho Hội và các hội viên Chữ thập đỏ.
Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm tới khi Người qua đời, Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son sáng chói đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.
II. HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM – 68 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4/11/1957, cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III (ngày 15/12/1965), Hội Hồng thập tự Việt Nam được đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội hoạt động trên phạm vi cả nước với 7 lĩnh vực trọng tâm đã được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ, bao gồm: Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ. Hội hoạt động vì mục tiêu nhân đạo - hòa bình - hữu nghị, với 4 tính chất đặc thù: tính xã hội sâu sắc, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống, tính quốc tế cao cả.
Trải qua 9 kỳ đại hội với nhiều thăng trầm của lịch sử, với những bước trưởng thành vượt bậc và những cống hiến xuất sắc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương lao động hạng nhì (1971), Huân chương Độc lập hạng nhất (1988), Huân chương Hồ Chí Minh (1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (2005), Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 (2011).
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 4-5/7/2012, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Bức trướng với dòng chữ “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước”. Với mục tiêu: Tập trung xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp; phát huy vai trò nòng cốt và tổ chức bổ trợ Chính phủ trong sự nghiệp nhân đạo, chủ động tham gia ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, tình huống trong công tác nhân đạo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, đóng góp tích cực cho phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Đại hội đã quyết định 4 định hướng hoạt động lớn của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giai đoạn 2012-2017, đó là: Phòng ngừa, ứng phó thảm họa, cứu trợ khẩn cấp, phục hồi tái thiết; Chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Công tác xã hội nhân đạo.
Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc; vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định; tổ chức 4 cấp của Hội được củng cố, kiện toàn; số lượng, chất lượng cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được nâng lên một bước; hoạt động hợp tác quốc tế của Hội được mở rộng; công tác vận động nguồn lực và trợ giúp đối tượng ngày càng có hiệu quả; công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo có kết quả rõ rệt.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn giữ vai trò nòng cốt, vai trò cầu nối, vai trò điều phối trong các hoạt động nhân đạo của đất nước. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai (như: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", Chương trình "Ngân hàng bò - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới", Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”…) đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (phát động từ năm 1999): Trong 5 năm gần đây, các cấp Hội đã vận động đạt 332,8 tỷ đồng/năm, trợ giúp trung bình hàng năm trên 1 triệu lượt người nghèo, nạn nhân chất độc da cam vui Tết, đón xuân. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” (phát động từ tháng 5/2008), sau 5 năm đã có 600.389 người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp với số tiền 2.039 tỷ 190 triệu đồng. Kế thừa kết quả đã đạt được từ Dự án “Ngân hàng bò” (triển khai từ tháng 01/2010), năm 2013, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động trong toàn Hội Chương trình “Ngân hàng bò- Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới”: Đến nay đã cấp hơn 12.000 con bò cho hơn 12.000 hộ gia đình nghèo tại các huyện nghèo, xã biên giới, góp phần cải thiện cuộc sống cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Có thể khẳng định rằng, lịch sử phát triển của Hội từ ngày thành lập đến nay là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân.
Suốt quá trình 68 năm xây dựng và phát triển, sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã hun đúc lên những truyền thống vẻ vang, đó là: Truyền thống cống hiến, hy sinh hết mình vì những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em lang thang và những người dễ bị tổn thương khác trong xã hội; truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả; truyền thống sáng tạo, có ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm.
Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2014), các cấp Hội Chữ thập đỏ đang ra sức thi đua đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, chăm lo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt Chiến dịch Khám, chữa bệnh nhân đạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng năm 2014 với mục tiêu khám, chữa bệnh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho ít nhất 1 triệu lượt người trên phạm vi toàn quốc. Với chủ đề “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”, được triển khai từ 1/9/2014 đến 15/2/2015, Chiến dịch nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng nghèo, khó khăn, gia đình chính sách xã hội; ưu tiên các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo và tạo thành phong trào thường xuyên tại cộng đồng.
III. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH LÂM ĐỒNG
Kể từ năm 1976 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với tinh thần đoàn kết khắc phục mọi khó khăn thử thách, phát huy năng lực, tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ từ nhiều nguồn, các cấp Hội Chữ thập đỏ, các cán bộ hội viên và tình nguyện Chữ thập đỏ luôn sát cánh đồng cam cộng khổ quyết tâm vươn tới vườn hoa nhân ái, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ… Cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ phải thực sự vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ, không thiên về hình thức, tránh thái độ ban ơn”.
Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng các hoạt động của Hội ngày càng đạt được hiệu quả cao với những thành quả đáng khích lệ. Nghị quyết của các kỳ Đại hội hội CTĐ Lâm Đồng, với những chủ trương, phương hướng và mục tiêu hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi cơ sở. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều nhân tố, điển hình tốt, mô hình mới, cách làm hay, được tổng kết, nhân rộng ở nhiều địa phương, cơ sở Hội. Điều này có thể nhận thấy rõ qua kết quả hoạt động của từng năm, năm sau cao hơn năm trước.
Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII, nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã đưa ra mục tiêu với khẩu hiệu “Tự nguyện, chung sức vì sự nghiệp nhân đạo, vì hạnh phúc nhân dân”; toàn thể hội viên “Nâng cao năng lực vận động, thu hút nguồn lực, tổ chức có hiệu quả các hoạt động nhân đạo từ cơ sở”.
Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể và phát huy vai trò, vị trí của Hội trong các hoạt động nhân đạo tại địa phương. 38 năm qua, Hội chữ thập đỏ Lâm Đồng đã tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh quyên góp ủng hộ, giúp đỡ cho hàng ngàn lượt đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống với tổng giá trị gần 218 tỷ đồng, riêng nhiệm kỳ 2006 – 2011 là 110,6 tỷ đồng, trong năm 2014 giá trị hoạt động của các cấp Hội đạt hơn 36 tỷ đồng. Với những việc làm có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả của Hội trong thời gian qua đã được nhân dân tin cậy, được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng ba, hạng nhì, cờ Thủ tướng chính phủ, Ủy ban nhân tỉnh Lâm Đồng tặng cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua yêu nước và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Năm 2013, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng tổ chức Hội trại thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thành công rực rỡ và tham gia Hội trại toàn quốc đạt giải nhất trang trí trại.
Năm 2013 lần đầu tiên tổ chức thành công Hành trình đỏ kết nối dòng máu Việt được Trung ương Hội đánh giá cao.
Ngày 18/02/2014, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng vinh dự được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2013 và được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tặng cờ đơn vị xuất sắc năm 2013
Có được những kết quả trên phải kể đến sự nỗ lực, cố gắng của gần 80 nghìn cán bộ, hội viên, Thanh thiếu niên, tình nguyện CTĐ với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần vào thành tích chung của Hội, đã tô đẹp thêm truyền thống nhân ái quý báu của dân tộc và bản chất tốt đẹp của Hội, cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, xã hội công bằng, văn minh”.
Hướng tới kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 – 23/11/2014), các cấp Hội Chữ thập đỏ đang ra sức thi đua đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, chăm lo, trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội; thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’’; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn dân; vận động các tầng lớp tham gia vào Hội: hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ; chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hội theo hướng gắn bó với đối tượng, tập trung cho cơ sở, phát triển bền vững, dựa vào cộng đồng; thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo’’ và vận động nguồn lực; tuyên truyền Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng (khoá X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”.
IV. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CẤP HỘI
(Phần lịch sử và kết quả công tác Hội ở địa phương bổ sung vào đây)
- BAN TUYÊN HUẤN THANH THIẾU NIÊN -
HỘI CHỮ THẬP ĐỎ TỈNH LÂM ĐỒNG
Không có nhận xét nào