Ngày 5.4, Sở Y tế Hà Nội đã họp triển khai các biện pháp ứng phó với cúm A/H7N9. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng cho biết, kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu Nội Bài (Hà Nội) đã thực hiện đo thân nhiệt hành khách bằng thiết bị cảm ứng.
Các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ sẽ được theo dõi sức khỏe. Mẫu bệnh phẩm sẽ được lấy, chuyển thẳng đến xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Ông Cảm cho biết, các phương tiện phòng hộ cho phòng chống dịch cúm H7N9 tương đương với phòng hộ chống dịch tối nguy hiểm.
Ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế nhận định, nguy cơ vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập rất lớn. Đến sáng 6.4, Trung Quốc thông báo đã có 14 trường hợp được phát hiện nhiễm vi rút này, trong đó 6 người tử vong.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cho biết, đã có sự trao đổi thông tin về các ca bệnh H7N9 với các bác sĩ tại Trung Quốc ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên. Hiện tại, vi rút cúm A/H7N9 được đánh giá là có độc cực mạnh gây tử vong cao. Các bệnh nhân nhập viện đều khó thở, tổn thương phổi nhanh, phù phổi, men gan tăng cao, tiêu cơ dù không tổn thương tim, thận như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1.
Trước thông tin tại Trung Quốc chủng vi rút cúm A/H7N9 tìm thấy trên chim bồ câu tương đồng với loại vi rút trên các bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9, GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho rằng: “Cần đặc biệt lưu ý người dân khi phát hiện gia cầm chết; thấy xác chim hoang dã hoặc chim bồ câu nhà chết cần thông báo cho thú y và y tế lấy mẫu xét nghiệm”. Theo GS Huấn, thông thường nếu chim nuôi trong môi trường cách biệt không có nguồn lây, không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với chim thả cần lưu ý về khả năng lây nhiễm vi rút này. Ngay trong trường hợp phát hiện gà nhập lậu cũng nên xét nghiệm để chủ động xác định nguồn vi rút nếu có. Có thể chim, gia cầm mang vi rút nhưng không có bệnh, tương tự như sự tồn tại của vi rút cúm gia cầm H5N1 trong các đàn thủy cầm mà không thấy dịch bệnh trên thủy cầm. Dù không có biểu hiện bệnh nhưng nếu mang vi rút vẫn là nguồn lây cho người”.
Cục Y tế dự phòng tiếp tục khuyến cáo người dân chỉ ăn thịt gia cầm an toàn, đã qua kiểm dịch. Người đi về từ vùng có dịch cần theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có biểu hiện ho, sốt.
Ngày 5.4, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) cho biết, cục này đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành biên giới phía bắc tăng cường công tác kiểm soát nhập lậu gia cầm, lấy mẫu gia cầm phân tích để giám sát sự xuất hiện của vi rút H7N9.
Liên Châu - Q.Duẩn
Không có nhận xét nào