ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
( 23/11/1946 – 23/11/2012)
PHẦN I: NHỮNG MỐC SON LỊCH SỬ
· Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
· Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
· Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm tới khi Người qua đời, Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng. Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.
· Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh.
· Ngày 4/11/1957, cuộc họp Đại hội đồng Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của phong trào Chữ thập đỏ quốc tế.
· Ngày 19/11/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 27/2/1961, Hội Hồng thập tự Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam được thành lập do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 15/12/1965, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III. Hội Hồng thập tự Việt Nam được đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 10-11/12/1971, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Tháng 6/1973, Đại hội Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam . Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 31/7/1976, Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự Mặt trận dân tộc Giảo phóng Miền Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Năm 1984, Giáo sư Nguyễn Văn Thủ mất.
· Ngày 11-12/3/1988, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V. Đây là Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 15-17/3/1995, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI. Tổng Bí thư Đỗ Mười là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 7-8/4/1998, Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VI “Về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Ngày 8/4/1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.
· Từ 16-19/11/1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thắng với việc ra Tuyên ngôn Hà Nội đánh dấu một sự kiện hợp tác quốc tế quan trọng trong hoạt động Hội.
· Ngày 12 - 13/6/2000, Đại hội thi đua yêu nước của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Hơn 300 đại biểu đại diện cho hàng triệu cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trong cả nước đã về dự. Trung ương Hội đã tặng bằng khen cho 229 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo thời kỳ đổi mới, 06 tập thể và 01 cá nhân được tặng Huân chương Lao động, 02 cá nhân được công nhận là Chiến sỹ thi đua toàn quốc và được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
· Ngày 7 - 9/8/2001, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII. Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
· Ngày 31/7/2003, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kỳ họp thứ 4 khóa VII đã bầu Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng làm Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
· Ngày 20/9/2005, Đại hội thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ II. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thưởng - Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được trao tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
· Ngày 28-29/6/2007, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương được cử là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam .
· Ngày 23/11/2011, Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2), tiếp tục ghi nhận bước trưởng thành vượt bậc của tổ chức Hội và những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.
· Ngày 4-5/7/2012, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Ông Nguyễn Hải Đường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương được bầu là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam . Đại hội vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tặng Bức trướng với dòng chữ “Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước”.
PHẦN II: HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH
VAI TRÒ NÒNG CỐT TRONG SỰ NGHIỆP NHÂN ĐẠO
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, có 4 tính chất đặc thù: tính xã hội, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống và tính quốc tế, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (ngày 23/11/1946) và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên trong suốt 23 năm tới khi Người qua đời[1]. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên tích cực trong 188 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, thành viên chính thức của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (từ năm 1957), hoạt động với 7 nguyên tắc cơ bản: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, Độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu. Hội có hệ thống tổ chức 4 cấp trong phạm vi toàn quốc (từ trung ương đến xã, phường); hoạt động vì mục tiêu chăm lo cho người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội và tham gia các hoạt động nhân đạo quốc tế.
Hoạt động của Hội là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng, tập trung vào 7 lĩnh vực đã được quy định trong Luật hoạt động Chữ thập đỏ: (1) Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; (2) Chăm sóc sức khoẻ; (3) Sơ cấp cứu ban đầu; (4) Hiến máu nhân đạo; hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; (5) Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; (6) Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; (7) Tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa.
Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm nay (23/11/1946 - 23/11/2012) diễn ra trong bối cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành công tốt đẹp và các cấp Hội đang tích cực triển khai Nghị quyết của Đại hội. Kế thừa và phát huy những thành tích mà toàn Hội đã đạt được trong 66 năm qua, hướng tới mục tiêu Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đề ra, trong những năm tới, các cấp Hội cần bám sát 7 lĩnh vực hoạt động để tập trung thực hiện tốt: Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ, phục hồi tái thiết dựa vào cộng đồng một cách có hệ thống, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cùng các hậu quả khác do thiên tai, thảm họa gây ra; Tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng, phát triển hệ thống sơ cấp cứu, bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ dựa vào cộng đồng, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; Phát triển các trung tâm máu và đẩy mạnh vận động hiến máu tình nguyện, từng bước tham gia tổ chức thu nhận, bảo quản, sàng lọc, điều chế và phân phối tối thiểu 1/4 tổng lượng máu phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị; tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp xã hội nhân đạo, ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất, trợ giúp theo hướng bền vững thông qua cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; tuyên truyền các giá trị nhân đạo, góp phần nâng cao nhận thức, tạo dựng hình ảnh, làm chuyển biến thái độ, hành vi của người dân về công tác nhân đạo và tổ chức nhân đạo, qua đó mà lôi cuốn các lực lượng xã hội tham gia công tác nhân đạo, làm cho nhân đạo trở thành nét đẹp trong lối sống của mỗi người dân và nét văn hóa trong hoạt động của mỗi tổ chức; tập trung xây dựng nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ; xây dựng các cấp Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách vận động xây dựng nguồn lực, phát triển nhanh lực lượng tình nguyện viên Chữ thập đỏ, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.
Trước mắt, để hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2012, toàn Hội cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động sau:
- Tích cực chuẩn bị, chủ động sẵn sàng tham gia phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa trong mùa mưa bão năm 2012: Tổ chức lực lượng, phương tiện và các điều kiện vật chất để tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa kịp thời, hiệu quả; Sẵn sàng tham gia sơ tán, di dời, bảo vệ nhân dân, cứu người bị nạn và các hoạt động phục hồi mang tính cộng đồng sau thảm họa; Kịp thời nắm bắt tình hình và tổ chức các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp về vật chất, hỗ trợ tâm lý cho những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa trên địa bàn hoặc theo sự kêu gọi của Trung ương Hội.
- Tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng và đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, chương trình “Ngân hàng bò”; đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp nhân đạo mang tính phát triển bền vững, giúp người bị tổn thương vươn lên tự lập cuộc sống (đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, cấp học bổng, tìm việc làm, chữa trị phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam...); Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh nguy hiểm đang diễn biến hết sức nghiêm trọng như dịch tay chân miệng, phòng chống tai nạn thương tích;
- Chủ động chuẩn bị tốt về mọi mặt để tiếp tục nâng cao chất lượng, triển khai hiệu quả Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” – 2013.
Chúng ta tin tưởng rằng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với những đường lối, chủ trương, định hướng công tác Hội sẽ được vận dụng, triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, cơ sở Hội và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng khẳng định vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo của đất nước.
*
* *
MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
- Nhiệt liệt chào mừng 66 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2012).
- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
- Cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thi đua hoạt động nhân đạo lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
[1] Trải qua 9 kỳ đại hội, Hội có 5 vị Chủ tịch: bác sỹ Vũ Đình Tụng (28 năm, từ 1946 đến 1974), Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Văn Thủ (8 năm, 1976-1984), Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân (16 năm, 1987-2003), giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thưởng (5 năm, 2003-2007), tiến sỹ Trần Ngọc Tăng (5 năm, 2007-2012), đồng chí Nguyễn Hải Đường (từ tháng 7/2012).
Không có nhận xét nào